Bệnh nhân đái tháo đường nên lưu ý những điều này trong ngày nắng nóng
Nắng nóng, oi bức khiến chúng ta ai nấy đều mệt mỏi, nhưng đối với người bị đái tháo đường còn vất vả, khó khăn hơn vì các tình trạng bệnh lý kéo theo này.
Tăng hoặc hạ đường huyết quá mức
Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thời tiết nắng nóng vừa có thể dẫn tới tăng hoặc giảm đường huyết tùy vào đặc điểm sinh hoạt và ăn uống của người bệnh đái tháo đường. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể theo nội dung dưới đây.
a, Tăng đường huyết
Việc tăng đường huyết ở người đái tháo đường trong tiết trời nắng nóng xuất phát từ hai lý do: cơ thế hoạt động khách quan của cơ thể và thói quen ăn uống chủ quan của người bệnh.
Do cơ chế của cơ thể
Trong thời tiết nắng nóng, dưới tác động bởi nhiệt độ cao từ các hướng phả tới, cơ thể con người mà cụ thể là hệ bài tiết kích thích lớp hạ bì dưới da tiết mồ hôi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có xu hướng đi tiểu nhiều lên so với những ngày nhiệt độ mát mẻ khác. Cơ chế tự động này giúp thải nhiệt theo đường nước và dịch tiết nhằm điều hòa thân nhiệt cơ thể.
Tuy nhiên, nó lại đồng nghĩa với việc cơ thể bị mất nước và kéo theo đó là khiến máu đặc hơn dẫn tới nồng độ đường huyết tăng lên. Đây là diễn biến của quá trình tăng glucose máu trong tiết trời oi bức, nóng nực.
Do chế độ ăn uống
Một lý do khác sinh ra tình trạng tăng đường huyết vào những ngày nắng nóng đến từ thói quen chủ quan của bệnh nhân đái tháo đường. Sở thích giải khát, giải nóng bằng ăn kem, uống nước hoa quả, nước giải khát,… mà quên mất thành phần của các loại đồ ăn thức uống này hoàn toàn không có lợi cho tình trạng bệnh.
Đơn cử, trong kem và nước ngọt giải khát chứa nhiều đường khiến việc kiểm soát glucose máu của bệnh nhân đái tháo đường gặp khó khăn. Nước hoa quả tưởng chừng là lựa chọn lành mạnh cho sức khỏe nhưng lại không phải. Việc chắt lọc lấy nước và loại bỏ phần cái đi đã làm mất hết chất xơ và chỉ giữ lại chủ yếu đường từ quả khiến đây trở thành lựa chọn không khôn ngoan.
Bên cạnh đó, mùa hè tại Việt Nam là thời khắc tuyệt vời của các loại quả như: vải, nhãn, xoài,… Điểm chung của các quả này đều chứa nhiều đường, mặc dù là đường tự nhiên từ hoa quả nhưng vẫn chuyển hóa thành glucose đi vào máu làm tăng đường huyết của cơ thể. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bệnh nhân đái tháo đường không nên ăn hoa quả, mấu chốt là ăn quả gì vừa mát lại vẫn tốt cho sức khỏe. Bởi vậy, bạn nên tham khảo bài viết “Mua trái cây cho người bệnh tiểu đường nên chọn loại nào” để có lựa chọn đúng đắn.
b, Hạ đường huyết
Nắng nóng cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới hạ đường huyết, thậm chí là cơn hạ đường huyết sâu gây nguy hiểm tới tính mạng.
Trong thời tiết nóng nực, oi bức chúng ta thường có xu hướng mệt mỏi, chán ăn, ăn cho xong bữa. Cứ như vậy, tình trạng bỏ bữa hoặc bữa được bữa mất này khiến cơ thể không được cấp đủ glucose để hoạt động và gây hạ đường huyết.
Nguy hiểm hơn, các dấu hiệu điển hình của cơn hạ đường huyết như vã mồ hôi, thấy mệt mỏi, đau đầu chóng mặt,… lại khó phát hiện bởi thường bị nhầm lẫn với biểu hiện cơ thể trong thời tiết nóng nực. Cho đến khi đường huyết xuống ở mức dưới 3,0mmol/l và thể hiện bởi những triệu chứng nặng nề hơn như: người lạnh toát, thị giác kém, đầu óc đờ đẫn tiếp nhận thông tin giảm sút hay ngất xỉu thì lại khó để xử trí nếu không có sự can thiệp của cán bộ y tế.
Trong trường hợp hạ đường huyết ngày nắng nóng này, cách duy nhất để đề phòng cho bệnh nhân đái tháo đường là tuyệt đối không bỏ bữa vì mệt mỏi, chán ăn. Người bệnh cần cố gắng ăn, chia làm các bữa nhỏ để ăn dễ dàng hơn và ghi nhớ kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên để nắm được tình trạng thay đổi glucose máu của mình.
Nếu bạn chưa biết về cơn hạ đường huyết – biến chứng phổ biến và nguy hiểm bậc nhất của đái tháo đường với nguy cơ gây hôn mê, tử vong thì cần đọc ngay bài “Cẩn trọng cơn hạ đường huyết đột ngột ở người tiểu đường” để trang bị các kiến thức phòng chống và xử trí nhanh cho mình và người thân.
Bệnh lý nhiễm khuẩn
Với lượng đường máu cao được tích trữ, bệnh nhân đái tháo đường là đối tượng rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Tệ hơn, họ cũng là người khi đã mắc thì khó khỏi, hay gặp các biến chứng trầm trọng kéo theo. Ví dụ, một vết thương hở nhỏ ở bàn chân người đái tháo đường nếu không được chăm sóc và điều trị đúng, kĩ càng có thể là khởi nguyên gây tình trạng hoại tử khiến phải cắt bỏ bàn chân.
Thời tiết nhiệt đới ẩm gió mùa của nước ta là môi trường sinh sôi nảy nở thuận lợi cho các loại nấm, vi khuẩn và đây chính là điểm bất lợi cho bệnh nhân đái tháo đường. Trong tiết trời nắng nóng, ra mồ hôi nhiều, bệnh nhân đái tháo đường dễ nhiễm nấm hay vi khuẩn tại vùng kín. Cụ thể, nam giới thường bị nấm ở vùng háng còn phụ nữ hay nhiễm nấm âm đạo.
Do vậy, người bệnh đái tháo đường cần chú ý vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát tránh bí mồ hôi, gây ẩm ướt. Lựa chọn hàng đầu là trang phục được may từ vải cotton và tránh những đồ sợi tổng hợp.
Về nhiễm trùng, phổ biến nhất với người tiểu đường đặc biệt trong nhóm bệnh nhân tuổi trung niên trở lên là nhiễm trùng tại vùng bàn chân. Lý do bởi chân tiếp xúc gần đất – nơi ấp ủ nhiều vi khuẩn và các dạng tồn tại của chúng. Thời tiết nóng nực khiến nhiều người có thói quen đi chân đất trong nhà hoặc khu xung quanh cần lưu ý tránh dẫm phải vật sắc nhọn tạo thành vết thương hở.
Trên đây là các lưu ý quan trọng về tình trạng sức khỏe bệnh nhân đái tháo đường trong ngày nắng nóng. Dù tận hưởng mùa hè nhưng cũng đừng quên chú ý và kiên trì chiến đấu với đái tháo đường các bạn nhé.
Địa chỉ văn phòng: 263/4 Nguyễn Văn Đậu, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TPHCM.
Điện thoại: 1900 234 564
Email: cellchainvietnam@gmail.com
Website: http://www.insutrix.com/
SẢN PHẨM ĐÃ XEM
- Chưa xem sản phẩm nào