Tiền tiểu đường – hồi chuông cảnh báo cho đái tháo đường type 2
Có tới 90% người mắc tiền tiểu đường không biết mình đang rơi vào tình trạng này cho tới khi tiến triển nặng nề thành đái tháo đường type 2 cùng nhiều biến chứng nguy hiểm. Thế nhưng, tiền tiểu đường lại không được chú ý và cảnh giác ở mức nó đáng nhận được, lý do một phần tới từ sự thiếu hụt thông tin về tiền tiểu đường. Vậy bài viết này sẽ giúp bạn có được cái nhìn tổng quan về tiền tiểu đường từ khái niệm, cách nhận biết, chẩn đoán cho tới cách ngăn chặn tiền tiểu đường ra sao.
Tiền tiểu đường thực chất là gì?
Hiểu một cách đơn giản, tiền tiểu đường chính là tình trạng khi lượng đường huyết tăng cao hơn mức bình thường nhưng chưa đến cấp độ được chẩn đoán là đái tháo đường type 2. Nó sinh ra bởi rối loạn chuyển hóa glucose do yếu tố gen di truyền hoặc ở người rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp,… đặc biệt là người béo bụng.
Tiền tiểu đường chính là tấm biển cảnh báo bạn có khả năng bị đái tháo đường type 2 trong tương lai. Cụ thể, theo thống kê của CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ) thì có tời 30% bệnh nhân tiền tiểu đường tiến triển thành đái tháo đường type 2 chỉ trong 5 năm. Lý do chính đến từ những việc hết sức đơn giản là không thay đổi nếp sống và thói quen ăn uống của người bệnh chứ không phải từ việc điều trị bằng thuốc.
Tuy nhiên nhìn theo khía cạnh tích cực thì bạn đã nhận được tín hiệu cảnh báo và có khoảng thời gian “xem lại mình” để tránh xa khỏi việc bị đái tháo đường type 2 hỏi thăm hoặc thậm chí còn cơ hội kéo chỉ số đường huyết về mức bình thường trước khi quá trễ.
Phát hiện tiền tiểu đường thế nào?
Các triệu chứng của tiền tiểu đường thường không rõ ràng. Đó là nguyên nhân khiến cho tới 90% bệnh nhân tiền tiểu đường không biết rằng mình đang trong trạng thái này. Cách duy nhất để chẩn đoán bạn có hiện mắc tiền tiểu đường hay không là phải qua xét nghiệm cận lâm sàng.
Hiện nay có 03 loại xét nghiệm phổ biến sau:
HbA1c: chỉ số gắn glucose lên Hemoglobin hồng cầu
Xét nghiệm HbA1c giúp phản ánh tình trạng đường huyết trong 03 tháng gần nhất, cho thấy bức tranh tổng thể về đường huyết của người bệnh hơn là xét nghiệm nồng độ glucose khi đói tại một thời điểm nào đó. Dựa vào các mốc kết quả mà chia được thành:
- Người bình thường: có chỉ số HbA1c nhỏ hơn 5,7%
- Người mắc tiền tiểu đường: có chỉ số HbA1c nằm trong khoảng 5,7% – 6,4%
- Người mắc bệnh tiểu đường: có chỉ số HbA1c từ 6,5% trở lên
FPG: chỉ số glucose lúc đói
Xét nghiệm FPG phản ánh tình trạng đường huyết nhất thời tại chính thời điểm lấy mẫu, giúp Bác sĩ đánh giá mức độ thay đổi lượng đường trong máu và dựa vào đó đưa ra phác đồ điều trị thích hợp với tiến triển bệnh. Do tính chất kiểm tra chỉ số đường huyết lúc đói nên xét nghiệm này được tiến hành sau khi người bệnh không ăn trong 08 tiếng, đó cũng là lý do vì sao nó thường được lấy mẫu vào buổi sáng.
Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm FPG mà chia thành:
- Người bình thường: < 100mg/dl
- Người mắc tiền tiểu đường: nằm trong khoảng 100-125mg/dl
- Người mắc bệnh tiểu đường: từ 126mg/dl trở lên
OGTT: xét nghiệm dung nạp glucose đường uống
Sau khi làm xét nghiệm glucose lúc đói, Bác sĩ cho bệnh nhân uống nước có chứa hàm lượng glucose quy định là 75g trong thời gian tối đa 5 phút, sau đó 1-2 tiếng sẽ tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm lượng đường huyết nhằm đánh giá khả năng dung nạp đường của cơ thể. Trong khi uống bệnh nhân có thể đứng hoặc ngồi, nhưng tuyệt nhiên không được hút thuốc hay sử dụng chất kích thích như cafe, bia, rượu,… . Kết quả xét nghiệm dung nạp glucose đường uống được chia thành:
- Người bình thường: < 140mg/dl
- Người mắc tiền tiểu đường: nằm trong khoảng 140-199mg/dl
- Người mắc bệnh tiểu đường: từ 200mg/dl trở lên
Như vậy, dựa vào chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng rõ ràng như trên, người bệnh có thể biết được mình đang nằm ở tình trạng nào một cách chính xác và nhanh chóng bắt đầu kế hoạch lấy lại sức khỏe nếu chẳng may rơi vào chẩn đoán tiền tiểu đường hoặc thậm chí là bệnh tiểu đường.
Làm thế nào để tiền tiểu đường khỏi hẳn?
Theo nghiên cứu quy mô lớn của Chương trình phòng chống tiểu đường, thay đổi chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng giúp người bệnh đạt hiệu quả tốt hơn sử dụng thuốc trong việc ngăn không cho tiền tiểu đường tiến triển thành bệnh tiểu đường type 2.
Các thay đổi này bao gồm:
- Giảm cân: nghiên cứu cho rằng ngay cả việc chỉ giảm một lượng nhỏ cân nặng (tối đa 7% trọng lượng cơ thể bạn) cũng đã giúp hạn chế khả năng kháng insulin của cơ thể và từ đó giúp ích cho quá trình chuyển hóa glucose được tốt hơn.
- Vận động thể dục: bạn nên dành thời gian tối thiểu 30 phút cho các hoạt động thể chất như: đi bộ, đạp xe, bơi lội, chơi thể thao,… mỗi ngày. Điều này giúp tăng độ nhạy cảm của các tế bào với insulin và làm giảm đường huyết cơ thể. Đặc biệt những người béo bụng nên chú ý vận động giảm mỡ vòng 2, tránh ngồi ì một chỗ trong suốt thời gian kéo dài bằng cách xen kẽ các động tác thay đổi tư thế hoặc vận động nhỏ.
- Chế độ dinh dưỡng: một bữa ăn giảm chất đạm, tăng rau, chất xơ và ngũ cốc là lựa chọn hoàn hảo cho người mắc tiền tiểu đường. Trong đó, chất xơ không chỉ giúp bạn nhanh no hơn khi không cần nạp quá nhiều năng lượng mà còn giúp tăng độ nhạy cảm với insulin và khả năng sử dụng insulin của tế bào cơ thể. Nên chia nhỏ bữa ăn để tránh ăn quá no hoặc dung nạp một lượng lớn đường cùng lúc, tuy vậy bạn cũng không nên bỏ bữa hoặc cắt bỏ hoàn toàn tinh bột trong khẩu phần ăn.
Bên cạnh đó, các Bác sĩ vẫn có thể kê thêm đơn thuốc nếu bạn ở trong tình trạng có nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường type 2. Chủ yếu gặp ở người béo phì, có chỉ số triglycerid cao, HDL-C thấp hoặc người tăng huyết áp.
Như vậy, bạn hoàn toàn có khả năng kiểm soát đường huyết khi rơi vào tình trạng tiền tiểu đường để ngăn không phát triển thành bệnh đái tháo đường type 2, một số người may mắn không mang yếu tố di truyền thậm chí có thể đưa chỉ số đường huyết về mức độ bình thường. Nếu bạn trên 45 tuổi và có thể trạng béo bệu hoặc có vòng eo từ 90 trở lên thì nên tới cơ sở y tế gần nhất để khám sàng lọc tiền tiểu đường, giúp phát hiện sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm và chuyển biến thành bệnh đái tháo đường type 2 không thể chữa khỏi.
Địa chỉ văn phòng: 263/4 Nguyễn Văn Đậu, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TPHCM.
Điện thoại: 1900 234 564
Email: cellchainvietnam@gmail.com
Website: http://www.insutrix.com/
SẢN PHẨM ĐÃ XEM
- Chưa xem sản phẩm nào